Environmental
Ngày 13/3/2024, Bộ Công thương đã ban hành “Dự thảo Luật hóa chất sửa đổi” (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Dự thảo này đã được Cục hóa chất, Bộ Công thương, bắt đầu triển khai xây dựng từ tháng 1/2023, đến nay chính thức được ban hành và lấy ý kiến rộng rãi từ các doanh nghiệp. Dự thảo bao gồm 11 chương, 95 điều và dự kiến sau khi ban hành sẽ thay thế Luật hóa chất năm 2007 (06/2007/QH12). Các nội dung sửa đổi quan trọng của dự thảo bao gồm: quy định về “Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt”, phạm vi của hóa chất khai báo, quy định quản lý hóa chất mới, quy định hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, các khái niệm mới theo phân ngành hóa chất, chứng chỉ xanh, sửa đổi quy định về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, v.v..
Phần 1 này tập trung và các quy định liên quan đến các đối tượng hóa chất.
Cụ thể, theo Dự thảo, một số khái niệm đối tượng hóa chất được sửa đổi như sau. (Danh mục các hóa chất hiện hành được quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP)
Phân loại đối tượng hóa chất | Nội dung sửa đổi |
Hóa chất điều kiện | Không thay đổi |
Hóa chế hạn chế | Được thay thế bằng khái niệm “Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt” |
Hóa chất cấm | Không thay đổi |
Hóa chất phải lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất | Không thay đổi |
Hóa chất phải khai báo | Được thay thế bằng khái niệm “Hóa chất không thuộc danh mục” |
Quy định về “Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt”
Đây là khái niệm mới được đưa vào Dự thảo, sẽ thay thế cho “Hóa chất hạn chế”, chủ yếu bao gồm Hóa chất nguy hiểm cần kiểm soát đặc biệt để thực thi Công ước Rotterdam, Công ước Minamata về thủy ngân, Công ước Stockholm và các điều ước quốc tế liên quan đến hóa chất và hoạt động hóa chất mà Việt Nam là thành viên.
Quy định về hóa chất cần kiểm soát đặc biệt về cơ bản không khác nhiều so với quy định về quản lý hóa chất hạn chế hiện hành. Tuy nhiên, cần lưu ý một số nội dung sửa đổi sau:
- Về hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, tương tự hóa chất hạn chế, doanh nghiệp phải xin Giấy phép sản xuất, kinh doanh do Bộ công thương cấp. Thời hạn giấy phép có sửa đổi, cụ thể: Giấy phép sản xuất có thời hạn 05 năm; Giấy phép kinh doanh có thời hạn 03 năm kể từ ngày cấp. Trong khi đó, về hóa chất điều kiện, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh có đồng thời hạn là 05 năm kể từ ngày cấp (trong khi Luật hiện hành không quy định thời hạn đối với Giấy chứng nhận)
- Về hoạt động nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, gồm hai trường hợp: (1) Trường hợp phải được cấp Giấy phép khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh hóa chất; (2) Trường hợp phải thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn/). Dự thảo chưa quy định rõ về việc phân định hai đối tượng này.
- Về hoạt động sử dụng Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, doanh nghiệp có trách nhiệm công bố loại hóa chất và mục đích sử dụng hóa chất trên Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia (https://chemicaldata.gov.vn/) trước khi sử dụng.
- Việc mua, bán Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt lưu thông trên thị trường. Phiếu kiểm này sẽ thay thế cho “Phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc” theo quy định hiện hành. Do vậy, phạm vi phải lập phiếu kiểm soát mua bán dự kiến sẽ được thu hẹp lại.
Sửa đổi quy định về khai báo hóa chất
Theo quy định hiện hành, hóa chất phải khai báo được quy định tại Phụ lục V Nghị định 113/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 82/2022/NĐ-CP). Hóa chất thuộc đối tượng (bao gồm cả hỗn hợp hóa chất), trước khi thông quan phải thực hiện khai báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn/). Tuy nhiên, việc chỉ Hóa chất phải khai báo mới phải thực hiện khai báo khi nhập khẩu, dẫn đến khả năng nhiều hóa chất nguy hiểm, độc hại được nhập khẩu vào Việt Nam mà cơ quan quản lý không có thông tin, không giám sát được, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Cùng với sự phát triển đa dạng các hoạt động công nghiệp, nhiều loại hóa chất mới lần đầu được nhập khẩu vào Việt Nam dẫn đến Danh mục hóa chất phải khai báo không thể điều chỉnh hoặc thay đổi kịp thời, dẫn tới khó khăn trong việc xác định các loại hóa chất mới để áp dụng quy trình quản lý.
Do vậy, Dự thảo đề xuất thay thế “Hóa chất phải khai báo” bằng khái niêm “Hóa chất không thuộc danh mục”. Điều này có nghĩa là các hóa chất nguy hiểm (bao gồm cả hỗn hợp hóa chất) không thuộc đối tượng là hóa chất điều kiện, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất phải lập Kế hoạch PNUPSC hóa chất, sẽ phải thực hiện khai báo hóa chất khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Quy định quản lý hóa chất mới
Về cơ bản kế thừa quy định về hóa chất mới tại Luật Hóa chất 2007. Hoá chất mới được định nghĩa là hóa chất chưa có trong danh mục hóa chất quốc gia, danh mục hóa chất nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thừa nhận. Thủ tục đăng ký được thực hiện trên Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia, hồ sơ đăng ký bao gồm như sau:
a) Đơn đăng ký hóa chất mới;
b) Tên gọi hóa chất mới theo hướng dẫn của IUPAC, công thức hóa học của hóa chất;
c) Thông tin về tính chất lý, hoá và đặc tính nguy hiểm của hóa chất được tổ chức đánh giá hóa chất mới cung cấp;
d) Thông tin về tính chất lý, hoá và đặc tính nguy hiểm của hóa chất được công bố bởi một quốc gia được Chính phủ Việt Nam thừa nhận
Chính phủ sẽ quy định trình tự, thủ tục và tổ chức thực hiện việc đăng ký hóa chất mới nêu trên.
Quy định hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm
Dự thảo này có đề cập đến khái niệm về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm. Nhóm này được chia thành 2 loại: (1) hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật; và (2) hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc hai loại này, đều phải có trách nhiệm xây dựng, công bố thông tin và đăng tải bản công bố trên hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia, cập nhật khi có sự thay đổi. Ngoài ra, đối với các hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm cần quản lý chưa có Quy chuẩn kỹ thuật, doanh nghiệp cần thực hiện xây dựng quy trình quản lý hóa chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất sản phẩm.
Toàn văn của dự thảo này và các tài liệu liên quan được đăng tải tại đường link URL dưới đây.
(Nguồn: Website Bộ Công thương)