Bản tin EHS

Vào nửa cuối năm 2024, một số doanh nghiệp đã bị các cơ quan nhà nước thanh tra và phát hiện ra một số sai phạm liên quan tới lĩnh vực bảo vệ môi trường. Có doanh nghiệp bị xử phạt hành chính, tuy nhiên cũng có một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động để khắc phục và xử lý các sự cố vi phạm.
Các sai phạm của các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực bảo vệ môi trường tập trung chủ yếu vào hai mảng lớn:
Xả thải có thông số môi trường vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật cho phép
Không có hoặc không tuân thủ các nội dung trong Giấy phép môi trường/ Đăng ký môi trường…
Từ các vi phạm của các công ty nói trên, các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý đảm bảo có đủ các loại giấy phép môi trường, đăng ký môi trường hoặc ĐTM môi trường theo đúng quy định pháp luật. Ngoài doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các yêu cầu ghi trong giấy phép / đăng ký môi trường/ ĐTM môi trường. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp cần đảm bảo xả chất thải đảm bảo không vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
(tham khảo)
Ngày 07/06/2024, UBND tỉnh Kon Tum đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển nông nghiệp Ia H’Drai do Nhà máy sản xuất tinh bột sắn và các công trình xử lý nước thải của Công ty đã xây dựng và đi vào vận hành nhưng không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Công ty la H’Drai đã bị phạt tiền 300 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động trong 4,5 tháng để lập thủ tục giấy phép môi trường theo quy định.
Cũng trong nửa cuối năm 2024, UBND huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) đã ban hành 03 Quyết định xử phạt liên quan tới 03 công ty thuộc địa bàn mình quản lý do có vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Đó là các công ty: Công ty TNHH TMDV Tân Kiểm, Công ty TNHH Đầu tư Gỗ Á Châu và Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nhựa Tuấn Kiệt. Công ty Tân Kiểm bị xử phạt 38 triệu đồng với 2 hành vi vi phạm: không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định; không đăng ký môi trường theo quy định đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường theo quy định, khi triển khai xây dựng hoặc vận hành chính thức có vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Trước đó, ngày 25/07/2024, UBND huyện Củ Chi đã xử phạt Công ty Nhựa Tuấn Kiệt 8 triệu đồng do thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường; không đăng ký môi trường theo quy định
Ngày 31/07/2024, Quyết định xử phạt 185 triệu đồng cho Công ty Gỗ Á Châu cũng được ban hành do xả khí thải có thông số CO vượt quy chuẩn 4,28 lần, lưu lượng 878 m3/h (thải khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần trở lên trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 500m3/giờ đến dưới 5.000m3/giờ) và không có giấy phép môi trường theo quy định.
Tháng 8/2024. Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Đông Á trụ sở tại phường Đề Thám, thành phố Thái Bình đã bị xử phạt do xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Công ty đã bị xử phạt với lỗi tương tự vào tháng 4/2023 trước đó, với số tiền 224 triệu đồng, do công ty Đông Á đã lắp đặt đường ống để xả thải không qua xử lý ra môi trường đối với hoạt động chăn nuôi tại xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Từ tháng 1/2024, Đoàn kiểm tra của tỉnh đã yêu cầu Công ty tháo dỡ đường ống xả thải, nhưng đơn vị này không thực hiện mà chỉ cam kết bịt đường ống. Số tiền bị xử phạt vi phạm hành chính và kinh phí trưng cầu giám định về môi trường mà Công ty phải nộp vào ngân sách Nhà nước là hơn 409 triệu đồng. Đoàn kiểm tra còn phát hiện Công ty có lắp đặt đường ống nhựa đường kính khoảng 300mm, chôn ngầm đấu nối từ ao sinh học qua rãnh thoát nước, qua hố ga giáp đường thải ra sông Chó Đá.
Hệ thống đường ống này không được đề cập trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt, cũng như trong hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình.
Cũng trong năm 2024, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định xử phạt hành chính 310 triệu động về xả thải gây ô nhiễm môi trường đối với Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA Tây Ninh, trụ sở tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Nước thải công ty xả ra có lưu lượng 130m3/ngày (24 giờ) có chứa thông số môi trường Coliform vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 15,33 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT, Cột A theo quy định. Công ty phải triển khai khắc phục trong 30 ngày và báo cáo kết quả khắc phục cho Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh.
Trước đó, UBND tỉnh Tây Ninh cũng quyết định xử phạt hành chính đối với hai doanh nghiệp: Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Bảo Phú và Công ty Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Minh Nhật với tổng số tiền xử phạt là 710 triệu đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hai công ty này có các hành vi vi phạm lần lượt là không có giấy phép môi trường và không thực hiện đầy đủ một trong các nội dung theo quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng áp dụng hình thức phạt bổ sung đối với 3 công ty nói trên là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 4,5 tháng.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông nghiệp Địa Long có địa chỉ trụ sở chính đặt tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Công ty này có đặt cơ sở sản xuất giá thể hữu cơ tại ấp Trung, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình. Do các hộ dân sống ở huyện Thanh Bình phản ánh tình trạng ô nhiễm của cơ sở này, nên Phòng Tài nguyên môi trường và UBND xã Tân Thạnh đã tiến hành kiểm tra cơ sở ngày 05/11/2024. Qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện công ty thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung giấy phép môi trường đã được UBND huyện Thanh Bình cấp. Cụ thể, công ty chưa xây dựng khu vực ủ, trộn nguyên liệu kiên cố, kín đáo làm phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Tại hiện trường cho thấy, khu vực ủ, trộn nguyên liệu chưa được xây dựng kiên cố, kín đáo. Hơn nữa, kết quả quan trắc mẫu không khí do Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp) thu mẫu ngày 7/11/2024 cho kết quả vượt 1.71 quy chuẩn môi trường cho phép. Theo đó công ty bị lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường, bị phạt tiền 35 triệu đồng, và tạm ngưng hoạt động từ ngày 20/11 đến khi hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm.
Ngày 16/10/2024, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) – nhà máy ở Phú Thọ bị lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền phạt lên tới gần 2 tỷ đồng. Theo đó, Tổng Công ty này đã thực hiện những hành vi vi phạm sau:
Một là, xả nước thải có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m³/ngày trở lên.
Hai là, xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 03 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 200 m³/ngày đến dưới 400 m³/ngày .
Ba là, thải khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10%).
Do không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ, mức phạt đối với hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 03 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 m³/ngày trở lên được đưa ra là 1,35 tỷ đồng. Đồng thời, phạt tăng thêm 20% đối với thông số BOD5 vượt quy chuẩn kỹ thuật 2,15 lần số tiền 270 triệu đồng. Còn hành vi thải khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10%) có hình phạt là cảnh cáo. Như vậy, tổng số tiền phạt doanh nghiệp này phải nộp vào Kho bạc Nhà nước là 1,89 tỷ đồng. Vụ việc vi phạm này đã khiến dư luận phải quan tâm.