Biến đổi khí hậu

Phê duyệt đề án thành lập và phát triển thị trường carbon Việt Nam

03/04/2025

Ngày 24 tháng 01 năm 2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kí Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, giúp giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí tối ưu, tạo nguồn tài chính cho cắt giảm phát thải, thúc đẩy chuyển đổi xanh và công nghệ phát thải thấp. Đồng thời, Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế carbon thấp và hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Mục tiêu cụ thể 

  1. Đến trước tháng 6 năm 2025: Từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon.
  2. Giai đoạn 2025 - 2028: Triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon; tổ chức các hoạt động giao dịch thử nghiệm và đánh giá, hoàn thiện cơ chế vận hành.
  3. Từ năm 2029 trở đi: Chính thức vận hành thị trường carbon, mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động, đảm bảo tích hợp với thị trường carbon khu vực và toàn cầu.

Đối tượng hàng hóa được giao dịch 

Theo đề án, hàng hóa được giao dịch trên thị trường carbon gồm 2 loại sau: 

  1. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính: Được phân bổ cho các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo phương thức miễn phí và đấu giá.​ 

  1. Tín chỉ carbon: Bao gồm tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, gồm Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM) và các cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. 

 

Đối tượng tham gia thị trường 

Theo đề án, các đối tượng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam bao gồm 

  1. Các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính 

  1. Tổ chức thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước hoặc quốc tế phù hợp với quy định pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.​ 

  1. Tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.​ 

Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai đề án này, các doanh nghiệp cần lưu ý một số điều sau:  

  • Theo dõi, cập nhật, nắm vững và tuân thủ các quy định liên quan đến phát thải khí nhà kính và thị trường carbon nhằm nâng cao năng lực quản lí phát thải và tham gia thị trường carbon hiệu quả.  

  • Tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các bộ, ngành tổ chức, nhằm nâng cao hiểu biết và sẵn sàng tham gia thị trường carbon. 

  • Lựa chọn tổ chức, cá nhân uy tín để đảm bảo tính pháp lí và chất lượng tín chỉ. 

  • Áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, giảm phát thải và tăng hiệu suất năng lượng, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về hạn ngạch phát thải. 

  • Doanh nghiệp có thể tham gia hoặc khởi động các dự án giảm phát thải, nhằm tạo ra tín chỉ carbon và tham gia giao dịch trên thị trường. 

 

Xem toàn văn Quyết định tại đường link dưới đây.